Vietstock - Điều gì thúc đẩy giá vàng lên sát ngưỡng 1,300 USD?
Vàng thường có thành quả lạc quan trong suốt thời gian bất ổn xảy ra. Vậy có gì bất ngờ khi giá kim loại quý này tăng 13% trong năm nay và lên sát ngưỡng 1,300 USD/oz hay không?
Theo CNNMoney, các sự kiện như Ả-rập Xê-út và các nước đồng minh cắt đứt mối quan hệ với Qatar, các vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Luân Đôn, cuộc bỏ phiếu sắp tới ở Anh, và cuối cùng là cuộc điều trần của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey trước Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Năm.
Tất cả mối lo ngại địa chính trị trên đang góp phần hỗ trợ giá vàng. Trong ngày thứ Ba, vàng đã tăng thêm 1%.
Một số nghĩ rằng vàng có thể tăng cao hơn nữa, đặc biệt là nếu Qatar và các quốc gia ở khu vực Trung Đông tiếp tục hiềm khích lẫn nhau. Cụ thể, Ả-rập Xê-út, Ai Cập và các nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Trong một báo cáo, Ding Yao, Chuyên viên phân tích tại ThinkMarkets ở Luân Đôn, cho biết mâu thuẫn giữa Ả-rập Xê-út và Qatar có thể định hình lại khu vực Trung đông và có khả năng đẩy giá vàng lên mức 1,350 USD/oz nếu tình trạng căng thẳng tiếp tục leo thang.
Đà tăng của giá vàng đang xảy ra khi đồng USD tiếp tục suy yếu và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng thụt lùi.
Đà giảm của đồng USD thường tác động tích cực đến giá vàng, vì đây là một hàng hóa neo theo đồng bạc xanh. Cụ thể, đồng USD mạnh hơn thường làm cho vàng trở nên đắt đỏ hơn.
Những tín đồ của vàng thường cho rằng vàng không chịu sức ép từ các chính trị gia và các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương vì nó không phải là tiền giấy. Nguồn cung của vàng được xác định bởi lượng vàng tiềm ẩn trong lòng đất, chứ không như tiền giấy mà Chính phủ có thể tự do kiểm soát.
Hơn nữa, giá của đồng tiền điện tử Bitcoin cũng đang tăng mạnh. Chỉ trong tuần trước, giá Bitcoin đã vượt ngưỡng 2,000 USD lần đầu tiên trong lịch sử, và giờ đang nhâm nhe chinh phục ngưỡng 3,000 USD.
Vẫn có những dấu hiệu tiềm tàng là nhà đầu tư cũng bắt đầu lo lắng về nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là sau khi Chính phủ Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu tuần trước rằng nền kinh tế Mỹ tạo được ít việc làm hơn dự báo, và số lượng việc làm mới trong những tháng trước cũng thấp.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn gần mức cao nhất mọi thời đại bất chấp những lo ngại trên. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể kết luận rằng đầu tư vào các tài sản như vàng hoặc các tài sản có thể hoạt động tốt nếu chứng khoán suy yếu không phải là ý tưởng tồi tệ nhất trên thế giới.
“Nhà đầu tư hiện đang phòng ngừa các vụ đặt cược của mình vì vẫn còn vài yếu tố tiêu cực tiềm ẩn đang rình rập”, Lisa Kopp, Trưởng bộ phận đầu tư truyền thống tại Private Client Reserve của U.S Bank, cho hay.
Chưa hết, mức độ nợ tiêu dùng đang tăng trở lại và thậm chí còn cao hơn cả mức trong năm 2008.
Điều này không có nghĩa là sẽ có thêm một đợt khủng hoảng tài chính giống như thời điểm 9 năm về trước, nhưng cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Trong một báo cáo công bố hồi tuần trước, các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Incrementum cho biết các mối quan ngại về tình trạng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ cùng với tình hình chính trị bất ổn và biến động cao ở Washington sẽ đẩy giá vàng tăng mạnh.